Hướng dẫn tự đăng ký cổng thanh toán trực tuyến Stripe tại Việt Nam




Mặc dù cổng thanh toán Paypal chiếm hơn 70% thị phần toàn cầu và hỗ trợ gián tiếp thẻ tín dụng nhưng vẫn còn bỏ lại nhiều khoảng trống trên thị trường cổng thanh toán.


Bên cạnh đó, lệ thuộc hoàn toàn vào Paypal là một rủi ro lớn. Paypal có thể thay đổi chính sách bất cứ lúc nào họ muốn và bạn không thể làm gì khác ngoài việc CHẤP NHẬN mà thôi.

Cũng may trên thị trường còn có Stripe, là một đối thủ thay thế của Paypal giúp quản lý thanh toán online trực tiếp bằng thẻ Visa và MasterCard.

Không mấy ngạc nhiên khi hiện nay Stripe là lựa chọn số một cho bất cứ ai cần bán sản phẩm trên internet trong thời đại mà thẻ tín dụng ngày càng phổ biến toàn cầu không chỉ riêng Việt Nam.

Nhưng thật đáng tiếc, Stripe vẫn chưa hỗ trợ Việt Nam và công dân Việt Nam để đăng ký tài khoản Stripe sử dụng. Kể cả khi bạn muốn bán sản phẩm tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên vẫn còn một cách để bạn có thể sử đăng ký cổng thanh toán trực tuyến Stripe một cách hợp lệ hoá đó là đăng ký như một DOANH NGHIỆP MỸ nhưng công dân Việt Nam.

Những thứ bạn cần chuẩn bị như sau (thứ tự từ dễ đến khó để tránh gian nan bắt đầu nản):

  1. Website đang hoạt động
  2. Thẻ ID nhận diện (Passport hay Bằng lái xe PET)
  3. Tài khoản ngân hàng ở Mỹ
  4. Địa chỉ nhận mail ở Mỹ
  5. Điện thoại ở Mỹ
  6. Mã số thuế doanh nghiệp Mỹ (EIN)

Tôi sẽ hướng dẫn bạn từng bước một trong bài viết này.


1. Website dùng cho tích hợp cổng thanh toán trực tuyến Stripe

Đã là cổng thanh toán trực tuyến thì bắt buộc bạn phải có website để bán sản phẩm là đương nhiên. Stripe cũng muốn đề phòng những vấn nạn lừa đảo trên internet.

Tạo một website không khó, bạn có thể sử dụng Shopify hay các dịch vụ tạo landing page thay thế (như Brizy Cloud) để có một website.

Tuy nhiên, bạn cần một số lưu ý sau khi tạo một website:

  1. Dùng tên miền cấp 1, không dùng tên miền miễn phí
  2. Có logo
  3. Có email doanh nghiệp theo tên miền
  4. Có trang liên hệ
  5. Có trang chính sách bán hàng
  6. Có trang sản phẩm
  7. Có chứng chỉ SSL (https:)
2. Thẻ ID nhận diện quốc tế


Trước đây bắt buộc bạn phải có hộ chiếu (Passport) để xác thực tên và quốc tịch, nhưng ngày nay bạn sẽ có thêm một lựa chọn đó là bằng lái xe MỚI (thẻ PET). Chỉ bằng lái xe “mới” mới có song ngữ để chứng minh tên của bạn là chính xác.

Tuy lý thuyết là vậy, nhưng tôi cũng chưa thử xác thực bằng lái xe MỚI, có khả năng Stripe vẫn từ chối vì tên của bạn ghi bằng tiếng Việt có dấu. Passport thì không, nên dùng Passport CHẮC CHẮN sẽ xác thực thành công.


Cập nhật: Theo bạn đọc Quang Vũ (bình luận bên dưới bài), bạn đã xác thực thành công bằng giấy Chứng Minh Nhân Dân tiếng Việt. Trong khi đó bằng lái xe PET thì bị từ chối. Cám ơn bạn Quang Vũ đã chia sẻ!

Nếu bạn không có hộ chiếu Passport lẫn bằng lái mới PET thì bạn nên ưu tiên làm thủ tục cấp Passport. Chi phí làm Passport khá rẻ nhưng chờ hơi lâu, khoảng 30 ngày và có giá trị 10 năm. Cách làm bạn có thể nhờ Google.

Một chú ý nhỏ, khi đã có hộ chiếu, cách mà bạn chụp hình cũng rất quan trọng (Tuyệt đối không được scan nhé). Bạn cần chụp góc chụp 90 độ (chụp kiểu flatlay) và cho thấy mép của hộ chiếu và nền chụp luôn. Chụp một lần, lưu trữ sử dụng cho nhiều lần. Các dịch vụ khác như Paypal cũng sẽ cần đến.

3. Tài khoản Ngân hàng Mỹ

Để mở được tài khoản ngân hàng Mỹ thông thường bạn phải là công dân nước Mỹ (có số SSN – số an sinh xã hội, thẻ xanh) hoặc cá nhân người nước ngoài với số TIN hay EIN mới được mở tài khoản ngân hàng Mỹ.

Tuy nhiên, bạn có thể dùng Payoneer để có nhanh một tài khoản ngân hàng của Mỹ nhanh chóng. Một dạng tài khoản thanh toán – Checking account. Loại tài khoản này ưu tiên về nhận tiền thanh toán và sẽ hạn chế chuyển khoản. Bạn có thể tự nghiên cứu chi tiết sau.

Bạn đăng ký tài khoản Payoneer và xác thực tài khoản. Sau đó, bạn sẽ nhận được một tài khoản ngân hàng First Century Bank cho thanh toán tiền USD.

Bạn lưu thông tin ngân hàng lại để khai báo cho Stripe.

4. Địa chỉ và số điện thoại ở Mỹ


Muốn có một địa chỉ ở Mỹ trừ khi bạn có quen ai đó và mượn văn phòng hay nhà riêng của họ như một địa chỉ xác thực tại Mỹ. Đa số chúng ta sẽ không có cơ hội “có người quen ở Mỹ” như vậy.

Cách rủi ro khác là bạn lên Google map mượn một địa chỉ văn phòng ở Mỹ hay tìm tới những chia sẻ đầy may rủi trên internet.

Không cần thiết, có một cách an toàn và siêu rẻ đó là sử dụng một địa chỉ ảo ở Mỹ hợp lệ thông qua dịch vụ PlanetExpress. PlanetExpress là một dịch vụ Fulfilment, họ sẽ cung cấp cho bạn một địa chỉ ảo ở Mỹ nhưng có giá trị như một địa chỉ thật.

Khi bạn nhận thư từ hay hàng hoá đến địa chỉ ảo đó ở Mỹ, thì bưu kiện sẽ tự động vận chuyển thẳng đến kho hàng của PlanetExpress ở Los Angeles hay Oregon (chỉ dành cho thành viên trả phí vì Oregon miễn thuế). Từ đây bạn sẽ làm tờ khai hải quan (Custom Declaration) để về Việt Nam. Thư từ cũng không ngoại lệ.

Ngoài ra, PlanetExpress còn cho bạn thêm một số điện thoại ở Mỹ để bạn có thể điền vào các chứng từ CHO CÓ (như Stripe). Còn thực tế, bạn nên dùng Skype Premium khi bạn cần số điện thoại Mỹ để đối tác có thể liên hệ được.

Để bạn có thể an tâm dùng PlanetExpress nên tôi cố gắng giải thích cho bạn một chút mà thôi. Cần lưu ý là bạn cần phải bỏ vào $5 để có thể kích hoạt tài khoản miễn phí của PlanetExpress. Chi phí rất nhỏ và $5 đó sẽ ở tài khoản của bạn vĩnh viễn đến khi nào bạn cần chuyển thư từ hay hàng hoá về Việt Nam mà thôi (Bạn có 7 ngày lưu kho miễn phí).

Dành cho bạn nào đang muốn dùng gói Kindle Unlimited thì đây là một trong những bước bạn dùng để xác thực tài khoản Mỹ.

Với các bạn kinh doanh Dropshipping thì đây cũng là một dịch vụ bạn nên tìm hiểu sâu hơn.

Tóm lại, nhờ PlanetExpress bạn sẽ có một địa chỉ ở Mỹ và một số điện thoại ở Mỹ với chi phí chỉ $5 mà thôi (dùng Paypal để fund cũng được).

5. Mã số thuế doanh nghiệp Mỹ – EIN


Đây là phần khó nhất bạn nên cực kỳ chú ý bởi vì chỉ cần sai một tý bạn sẽ tốn rất nhiều công sức để SỬA sai.

Với một công dân ở Mỹ thì việc xin số ITIN (Stripe dùng ITIN) cực kỳ dễ, họ chỉ cần điền form và gửi online cho IRS (Sở thuế vụ Mỹ – Internal Revenue Service) nhưng với công dân ngoại quốc thì bạn KHÔNG THỂ xin số ITIN vì bạn không có số SSN (số an sinh xã hội).

Một con đường khác là bạn sẽ xin số EIN miễn phí cho Doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ (Sole Proprietor) bằng cách gọi điện thoại thẳng đến Sở thuế vụ Mỹ IRS tại số +1-267-941-1099 để xin (gọi sau 7 giờ chiều ở Việt Nam và chờ máy có thể lên 30 phút, có bấm thêm số ext, bạn nên nghe chỉ dẫn tổng đài).

Trước khi gọi điện, bạn cần chuẩn bị những việc sau:

  1. Skype credit để gọi điện sang Mỹ đỡ tốn phí. Nếu bạn lần đầu dùng Skype credit hãy tranh thủ dùng trial với $10 miễn phí. Còn không, thì nạp vào $5 để gọi điện.
  2. Download Form SS-4 và điền trước thông tin. Bạn sẽ được hỏi các thông tin liên quan đến Form.
  3. Chuẩn bị sẵn tinh thần vì họ nói tiếng Anh rất nhanh, IRS chẳng quan tâm đến việc bạn có nghe được hay không. Họ sẽ nói như người bản địa, tuy nhiên bạn có thể hỏi lặp lại nếu không nghe rõ. Hãy chuẩn bị sẵn kịch bản trước khi gọi.

Do bạn không phải điền Form chính xác để gửi mà chỉ dựa vào Form để chuẩn bị câu trả lời khi họ hỏi nên tôi sẽ hướng dẫn bạn những mục quan trọng mà chắc chắn họ sẽ hỏi như:


  1. Where are you from? Chắc chắn họ sẽ hỏi bạn ở đâu bởi vì họ muốn kiểm tra xem bạn là công dân nước nào, có gọi nhầm số hay không?
  2. Are you not a U.S. citizen? Họ chắc chắn sẽ hỏi lại lần nữa để kiểm tra quốc tịch bạn.
  3. Do You Need an EIN or ITIN? Họ sẽ hỏi lại xem chính xác bạn muốn xin số ID gì?
  4. What type of Entity you want to choose? Bạn muốn mở loại hình doanh nghiệp nào? Đương nhiên bạn chỉ có thể trả lời là Sole Proprietor.
  5. What is the reason for applying? Lý do bạn mở doanh nghiệp cá nhân Sole Proprietor. Lý do này rất quan trọng, hãy xem mục 8 trong Form SS-4. Nhưng thường thì bạn sẽ trả lời là “Start A New Business” như Online Busienss hay E-commerce Business. Bạn có thể giải thích thêm là bạn muốn bán hàng trên Amazon trở thành Amazon Seller.
  6. What is your First Name, Middle Name, Last Name?. Cẩn thận, bạn phải trả lời chính xác Họ, tên và tên lót rõ ràng và nên cần thận hỏi lại để xác nhận cho đúng. Họ sẽ bắt bạn Spelling từng chữ một. Đây cũng chính là Legal Name của bạn cho tài khoản Stripe. Vô cùng cẩn thận. Nếu bạn đọc đúng, ví dụ bạn tên Nguyễn Văn An, thì Legal Name sẽ là An Van Nguyen (Tên > Chữ Lót > Họ). Vì Sole Proprietor sẽ dùng tên mình như Legal Name. Note lại kỹ nhé!
  7. What is your Trade Name? Cái này là tên doanh nghiệp của bạn (Stripe không cần cái này, nhưng Amazon sẽ cần). Tuỳ bạn đặt tên doanh nghiệp của bạn như thế nào thì đặt. Note kỹ lại luôn!
  8. What is your mailing address, state, city, zipcode? Địa chỉ nhà của bạn, nên để chính xác, tốt nhất giống với địa chỉ Passport để sau này có sự cố có thể dễ dàng có bằng chứng. Riêng Zipcode hay Postal Code thì bạn tham khảo tại đây để khai cho đúng. Note kỹ lại luôn!
  9. What is your phone number? Rất quan trọng, bạn khai cho đúng, nhớ đọc thêm mã quốc gia 8490808xxxx (Bỏ số “0” đầu khi đã có mã quốc gia nhé). Note lại!

Sau khi xong những câu hỏi trên họ sẽ cấp cho bạn ngay số EIN, bạn nên chuẩn bị sẵn tờ giấy và cây bút để ghi lại. Kiểm tra lại xem bạn ghi và họ đọc có đúng không nhé!

Hoàn thành, Chúc mừng bạn đã có số EIN để đăng ký cổng thanh toán trực tuyến Stripe rồi đấy.

Thật ra còn một bước nữa đó là gọi điện lại lần nữa vào hôm sau để lấy giấy chứng nhận doanh nghiệp (147c Letter) để bạn dùng cho xác thực Paypal Business nhưng bạn cần máy Fax để nhận. Không có cách nào khác và bạn phải gọi tới một số khác của Sở Thuế Vụ Mỹ là +1‐800‐829‐4933 bấm thêm 113 để tới thẳng nhân viên phụ trách.


Sau khi trả lời các câu hỏi xác thực liên quan bạn sẽ yêu cầu cung cấp số Fax để nhận giấy chứng nhận (họ không gửi qua email hay mail).

Chú Ý

Dù bạn được cấp ngay số EIN, nhưng hệ thống IRS vẫn chưa nhập liệu vào hoàn chỉnh, bạn cần chờ 2 tuần để số EIN hoàn toàn hợp lệ. Trong tháng mua đông như tháng 12 và tháng 1 thì thời gian chờ có thể lâu hơn như 2 tháng. (Chắc do ăn chơi Noel quá)

Lời kết…

Trong tất cả hướng dẫn trên thì khó nhất có thể là xin số EIN, nếu quá khó với bạn thì bên ngoài có một số dịch vụ thu phí để xin số EIN cho bạn (từ $99-$699 tuỳ dịch vụ). Vì tôi tự xin số EIN nên không thể giới thiệu cho bạn nơi cung cấp số EIN uy tín.

Hi vọng với những hướng dẫn trên bạn có thể tự tạo tài khoản Stripe thành công với chi phí thấp nhất có thể.

Trong trường hợp của tôi thì đã có sẵn website và các điều kiện khác, tôi chỉ tốn thêm $5 cho PlanetExpress và $5 cho Skype Credit mà thôi.

Nếu bạn đã làm thành công cổng thanh toán trực tuyến Stripe hãy để lại bình luận bên dưới để mọi người cùng chúc mừng nhé!


Nguồn sưu tầm từ : https://cuongthach.com/usecase/huong-dan-dang-ky-cong-thanh-toan-truc-tuyen-stripe-tai-viet-nam


Bài đăng mới hơn Bài đăng cũ hơn